Các siêu dự án hạ tầng giao thông được kỳ vọng sẽ giúp tiêu thụ xi măng khởi sắc
29/02/2024 / Tin trong ngành
Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ quay lại đà hồi phục trong năm nay nhờ các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và trên hết là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện tại nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro nội tại, đặc biệt là việc thị trường bất động sản hồi phục chậm có thể tiếp tục gây ảnh hưởng tới tiêu dùng cũng như làm gia tăng nợ xấu.
Năm 2024, kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua là 677.300 tỷ đồng, cao hơn 18% so với kế hoạch năm 2023 và chưa tính phần giải ngân từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Điểm mới của năm 2024 có thể sẽ đến từ việc triển khai Nghị quyết 106/2023 của Quốc hội nhằm hỗ trợ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực trong 3 năm với mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Đợn cử như giúp các nhà thầu tiếp cận dễ dàng hơn mỏ đất/đá phục vụ xây dựng đường cao tốc.
Với ngành Xi măng, các doanh nghiệp ngành này vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi nhu cầu trong nước suy giảm, nguồn cung tiếp tục vượt xa cầu, thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại... Theo số liệu của Báo cáo ngành Xi măng Việt Nam (Vietnam Cement Report) năm 2023 tiêu thụ xi măng của cả nước trong năm 2023 đạt hơn 88,72 triệu tấn (giảm 5% so với năm 2022), trong đó tiêu dùng nội địa giảm 8% và xuất khẩu gần như đi ngang. Với việc sản lượng tiêu thụ sụt giảm, doanh thu thuần của các doanh nghiệp xi măng giảm từ 20 - 27% so với cùng kỳ.
Lượng tiêu thụ xi măng dự báo sẽ chạm đáy trong quý I năm 2024 do các yếu tố mùa vụ như nghỉ Tết Nguyên đán và nhu cầu vẫn ở mức yếu và dần phục hồi trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, kể từ quý II, sản lượng xi măng bán ra sẽ cải thiện so với cùng kỳ nhờ hoạt động xây dựng có dấu hiệu phục hồi. Ngoài ra, các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam có thể bù đắp nhu cầu yếu trong năm 2024.
(Nguồn: Báo cáo ngành Xi măng Việt Nam năm 2023)
Về xuất khẩu, thị trường xuất khẩu được đánh giá có phần hạn chế do Trung Quốc giảm nhập khẩu xi măng của Việt Nam. Trong năm 2023 vừa qua, xuất khẩu xi măng và clinker gần như đi ngang do Trung Quốc giảm nhập khẩu khoảng 90% sản lượng do nhu cầu trên thị trường bất động sản tại nước này suy giảm. Ngược lại, Bangladesh là thị trường ghi nhận tăng trưởng khi xuất khẩu xi măng và clinker sang nước này tăng 28,3% so với cùng kỳ nhờ tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Nguồn: ximang.vn