Đánh giá tổng quan ngành Xi măng trong 10 năm trở lại đây

Đánh giá tổng quan ngành Xi măng trong 10 năm trở lại đây

18/06/2024 / Tin trong ngành

Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm gần đây, năng lực sản xuất xi măng của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. 

• Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD

Bộ Xây dựng cho biết, đối với ngành Xi măng, hiện nay, tổng số dây chuyền sản xuất xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền với tổng công suất 122,34 triệu tấn/năm (trong đó, có 4 dây chuyền với tổng công suất 11,4 triệu tấn xi măng/năm đã đầu tư xong nhưng chưa đưa vào vận hành, do không tiêu thụ được sản phẩm).

Các dây chuyền đầu tư từ năm 2011 đến nay đều sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới đạt tiêu chuẩn châu Âu. Đặc biệt, có những dây chuyền sản xuất xi măng hiện đại nhất trên thế giới như dây chuyền 2 và dây chuyển 3 nhà máy Xi măng Xuân Thành, tỉnh Hà Nam.

Số lượng đầu tư các nhà máy xi măng theo thời gian cho thấy: đến năm 2010, cả nước đã đầu tư 59 dây chuyền với tổng công suất thiết kế 62,56 triệu tấn/năm, trong đó có 29 dây chuyền có công suất nhỏ từ 0,25 - 0,65 triệu tấn/năm, 13 dây chuyền công suất từ 0,75 - 0,91 triệu tấn/năm.

Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 cả nước đã đầu tư được 26 dây chuyền, với tổng công suất 41,48 triệu tấn/năm, nâng tổng số dây chuyền đến năm 2020 của cả nước là 85 dây chuyền, với tổng công suất thiết kế là 104,04 triệu tấn/năm.

Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước đã đầu tư được 7 dây chuyền, với tổng công suất thiết kế là 18,3 triệu tấn/năm. Suất vốn đầu tư trung bình giai đoạn này khoảng 2.500.000 - 3.700.000 đồng/tấn tùy theo thiết bị đồng bộ của các nước.

Tổng mức đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng là rất lớn, với tổng công suất thiết kế 122,34 triệu tấn xi măng/năm, tổng mức tài chính đầu tư xây dựng các nhà máy xi măng ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD). Trong đó, ước tính nguồn tài chính từ các ngân hàng trong nước và vốn Nhà nước chiếm khoảng 75% tổng mức đầu tư này.


Về sản xuất clinker và xi măng: trong 10 năm vừa qua (2014 - 2023), sản lượng sản xuất clinker và xi măng nhìn chung đều tăng. Trong đó, sản xuất clinker và xi măng năm 2021 đạt đỉnh (110,4 triệu tấn). Từ năm 2023 đến nay, sản xuất clinker và xi măng sụt giảm nghiêm trọng. Tổng sản lượng sản xuất cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, các dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế.

Trong năm 2023, có 42 dây chuyền phải dừng hoạt động sản xuất khoảng 1 - 6 tháng, trong đó một số dây chuyển phải dừng cả năm (tương ứng công suất phải dừng hoạt động khoảng 30% tổng công suất thiết kế của cả nước).

Năm 2024, dự kiến đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng sản xuất clinker và xi măng toàn quốc đạt khoảng 44 triệu tấn xi măng, tương đương cùng kỳ năm 2023 và các nhà máy cũng dự kiến chỉ đạt khoảng 70 - 75% tổng công suất thiết kế (trước năm 2022, các nhà máy thường vận hành trên 85%, thậm chí có những năm trên 95% công suất thiết kế). Tồn kho lũy kế khoảng 5 triệu tấn.

Các nhà máy sản xuất xi măng ở nước ta đã sản xuất được nhiều chủng loại sản phẩm xi măng phục vụ xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, đồng thời đã sản xuất được các loại xi măng chất lượng cao, rắn nhanh, chịu nhiệt, chịu lửa, bền môi trường biển, xi măng giếng khoan phục vụ khai thác dầu khí...

Về tiêu thụ: trong 10 năm vừa qua, tổng sản lượng clinker và xi măng tiêu thụ hàng năm nhìn chung đều tăng, cao nhất là năm 2022 toàn ngành tiêu thụ đạt 108,4 triệu tấn. Từ năm 2023 đến nay, tiêu thụ clinker và xi măng đều sụt giảm nghiêm trọng. Tổng sản lượng tiêu thụ năm cả 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022. Dự kiến, đến hết tháng 6/2024, tổng sản lượng tiêu thụ clinker và xi măng đạt khoảng 44 triệu tấn, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Tiêu thụ trong nước chủ yếu là xi măng, trong 10 năm qua nhìn chung đều tăng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tiêu thụ rất thấp, chỉ đạt trung bình khoảng 2,3%/năm, trong khi GDP quốc gia đều tăng bình quân khoảng 5 - 7%/năm.

Năm 2023, tiêu thụ xi măng trong nước rất thấp, chỉ đạt 56,6 triệu tấn (bằng 83,5% năm 2022), đây là mức sụt giảm lớn nhất từ trước đến nay trong ngành Xi măng. Thị phần tiêu thụ xi măng trong nước nhìn chung ít biến động, miền Bắc chiếm khoảng 34 - 35%, miền Nam khoảng 34 - 35%, miền Trung và Tây Nguyên chiếm khoảng 30 - 31%. Giá bán xi măng trong nước từ năm 2022 đến nay không tăng do cạnh tranh mạnh giữa các nhà máy sản xuất xi măng, thậm chí có chiều hướng giảm, trung bình khoảng 1.400.000 - 1.600.000 đồng/tấn tại các khu vực đồng bằng và trung du tùy theo các thương hiệu xi măng; khoảng 1.650.000 - 2.000.000 đồng/tấn tại các vùng sâu, vùng xa, Tây Nguyên…

Tiêu thụ xuất khẩu bao gồm 2 sản phẩm là clinker và xi măng. Trong vòng 10 năm qua, sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng nhìn chung có tăng lên. Tuy nhiên, từ năm 2022 lượng clinker xuất khẩu sụt giảm lớn, tổng lượng clinker xuất khẩu cả năm 2022 chỉ đạt 15,2 triệu tấn (bằng 52,9% năm 2021) và tiếp tục sụt giảm xuống 10,9 triệu tấn năm 2023 (bằng 71,7% năm 2022).

Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, lượng clinker xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 5,4 triệu tấn. Tình hình sụt giảm xuất khẩu clinker như vậy là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất. Những năm 2019 - 2022, giá trị xuất khẩu clinker và xi măng trung bình khoảng 1 - 1,3 tỷ USD/năm. Từ năm 2023 đến nay, giá trị xuất khẩu clinker và xi măng giảm sút do giá xuất khẩu bị giảm rất mạnh…

Nguồn: ximang.vn
Hỗ trợ online

Hỗ trợ trực tuyến