Doanh nghiệp xi măng tiết giảm chi phí sản xuất do giá điện tăng
14/11/2023 / Tin trong ngành
Giá điện tăng khiến các doanh nghiệp xi măng tiết giảm chi phí sản xuất.
Ước tính chi phí điện của doanh nghiệp sản xuất xi măng chiếm khoảng 14 - 15% giá vốn hàng bán. Đối với những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng hóa. Do đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh (tăng 4,5%, chưa bao gồm VAT) cũng khiến những đơn vị sản xuất tiêu thụ điện lớn như các doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất xi măng tiếp tục tăng, trong khi giá điện đã tăng lần thứ nhất với mức 3%, giá than vẫn duy trì ở mức cao. Đây là mức tăng lần thứ hai của giá điện trong năm 2023, điều này khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xi măng không tránh khỏi bị ảnh hưởng.
Theo ông Mai Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hạ Long chia sẻ, việc điều chỉnh giá điện cũng đã nằm trong lộ trình đã được Chính phủ cân nhắc và phê duyệt nên cũng không chỉ riêng ngành Xi măng mà nhiều ngành khác sử dụng điện năng nhiều cũng sẽ gặp nhiều bất lợi.
Đứng trước tình hình này, các doanh nghiệp trong ngành Xi măng chủ động tổ chức sản xuất một cách tốt nhất nhằm tối ưu chi phí sản xuất, tiết kiệm điện, tiết kiệm chi phí khác thông qua việc sử dụng "công tơ 3 giá", huy động sử dụng thiết bị một cách hợp lý… để bù lại.
Việc sử dụng điện trong giờ cao điểm, thấp điểm đều được lãnh đạo Vicem Hạ Long giám sát và tổ chức điều hành chặt chẽ.
Theo đó, Vicem Hạ Long sẽ hạn chế tối đa vận hành vào giờ cao điểm, bố trí nhân lực, ca kíp sản xuất vào giờ thấp điểm; đồng thời phải tối ưu năng suất để cùng 1 số điện chạy máy phải làm ra nhiều sản phẩm hơn.
Với mức tăng giá điện thêm 4,5% thì giá thành sản xuất xi măng ước tính tăng thêm hơn 0,5%. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xi măng đã chủ động cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất nhằm hỗ trợ giảm giá thành sản xuất nhờ tiêu hao điện giảm đi. Nếu chỉ cần tiết kiệm 2 - 3 số điện cho 1 tấn sản phẩm thì cũng có thể bù được mức tăng giá chung 4,5% của điện.
Nhưng việc tối ưu để tiết kiệm 2 số điện trên 1 tấn sản phẩm cũng chỉ có giới hạn chứ không thể tiết kiệm mãi được. Vì theo nguyên tắc cân bằng năng lượng, công suất động cơ là con số tính toán bắt buộc phải tiêu hao như vậy. Do đó, phải tính toán để tối ưu mỗi thứ một chút chứ không thể trông chờ hết vào yếu tố nào.
Việc giá điện tăng khiến các ngành sản xuất cũng chịu tác động nhưng mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều cũng sẽ khác nhau, nhưng đối với ngành Xi măng thì chắc chắn là tác động rất lớn. Giai đoạn này đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải nỗ lực và tìm kiếm giải pháp để vượt qua.
Nguồn: ximang.vn